VIMEXPO 2023: Kết nối phát triển công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo Việt Nam
Sáng ngày 15/11, tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế ICE, số 91 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội, STI Việt nam đã tham gia Triển lãm Quốc tế lần thứ 4 về Công nghiệp hỗ trợ và Chế biến chế tạo Việt Nam - VIMEXPO 2023. Chương trình do Bộ Công Thương chỉ đạo, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Công nghiệp (IDC) - Cục Công nghiệp chủ trì, phối hợp với Công ty Quảng cáo và Hội chợ Triển lãm C.I.S Vietnam tổ chức.
Triển lãm VIMEXPO thuộc Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, là sự kiện cụ thể hóa Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ, nhằm tạo ra môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo giới thiệu sản phẩm, trao đổi công nghệ, tìm kiếm đối tác, liên doanh liên kết, thu hút đầu tư.
Với mục tiêu "Kết nối để phát triển", qua 3 lần tổ chức, Triển lãm VIMEXPO đã nhận được nhiều sự quan tâm tham dự và ủng hộ của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo.
Ông Đỗ Tuấn Long, đại diện công ty TNHH STI Việt Nam được mời tham gia bởi Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Công nghiệp IDC, có mặt đồng hành cùng các doanh nghiệp tại các gian hàng. Điều này là một cơ hội quan trọng để mở rộng mạng lưới kết nối và tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo.
Ông Đỗ Tuấn Long - Đại diện công ty STI Việt Nam ghé thăm gian hàng Công ty cổ phần công nghệ Viindoo
VIMEXPO 2023 có qui mô 7000m2, với 200 gian hàng của hơn 180 doanh nghiệp như: Tập đoàn THACO, TOYOTA VIỆT NAM, TCT VEAM, SAMSUNG VIỆT NAM, KOWANG, HORN & BOEHLERIT, JAAN – E, HANOI PLASTIC, YANGMIN, HỢP KIM TÂN PHONG, CƠ KHÍ 83, VPROUD, SHENSU, EMA, JS TECH... cùng các công ty đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ: Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)...
Triển lãm VIMEXPO 2023 nhận được sự quan tâm từ rất nhiều khách tham gia vào ngày đầu tiên khai mạc.
Phát biểu khai mạc Triển lãm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết: Công nghiệp hỗ trợ được Đảng, Nhà nước, Chính phủ xác định là ngành công nghiệp quan trọng, là nội lực phát triển của công nghiệp quốc gia. Do vậy, nhiều cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ đã được ban hành.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng phát biểu khai mạc Triển lãm VIMEXCO 2023
Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 6/8/2020 về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2025 doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất tiêu dùng trong nội địa, chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; đến năm 2030 sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% nhu cầu nội địa chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp.
Lĩnh vực chế biến, chế tạo cũng đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế, góp phần hoàn thành mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
"Năm 2022, GDP cả nước tăng 8,02%, cao nhất từ năm 2011 đến nay. Đóng góp vào kết quả tích cực này không thể không kể đến vai trò rất lớn của sản xuất công nghiệp nói chung và công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ nói riêng. Những nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp đã góp phần quan trọng thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam phát triển, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu", Thứ trưởng Phan Thị Thắng nêu.
Theo Thứ trưởng, trong bối cảnh hiện nay xu hướng tái cấu trúc, định hình và cân bằng lại chuỗi cung ứng ngành công nghiệp quy mô lớn của thế giới, đặt ra nhiều thách thức, nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam. Cơ hội này đến từ nhu cầu tăng cường nguồn cung, đặc biệt là từ các doanh nghiệp nước ngoài muốn di chuyển sản xuất đến từ Trung Quốc vì chi phí lao động tăng và tăng thuế xuất khẩu. Hơn nữa, nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đặt ra yêu cầu nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm.
Đặc biệt, khi thị trường đã và đang chuyển từ mô hình thị trường truyền thống sang mô hình thị trường điện tử, đòi hỏi phải có sự đổi mới trong cách tiếp cận thị trường, quảng cáo, bán hàng. Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin, cải thiện năng lực quản lý, chất lượng sản phẩm, hướng dẫn bảo hành, chăm sóc khách hàng để có thể nâng cao cơ hội cạnh tranh trên thị trường.