BSCI - Trách nhiệm xã hội trong kinh doanh
BSCI là gì?
BSCI (Business Social Compliance Initiative) là Bộ tiêu chuẩn đánh giá tuân thủ trách nhiệm xã hội trong kinh doanh, ra đời năm 2003 từ một sáng kiến toàn cầu do Hiệp hội Ngoại thương Đức (Foreign Trade Association, FTA), nay là Hiệp hội kinh doanh toàn cầu về thương mại bền vững (Amfori) với mục đích thiết lập một diễn đàn chung cho các quy tắc ứng xử và hệ thống giám sát ở Châu Âu về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Bộ tiêu chuẩn này cung cấp cho các doanh nghiệp một Bộ quy tắc ứng xử chung và hệ thống toàn diện để đạt được sự tuân thủ trách nhiệm xã hội trong toàn chuỗi cung ứng. Bằng việc tự nguyện thực hiện bộ quy tắc này, các doanh nghiệp trở thành thành viên của BSCI và được các thành viên khác tin tưởng là một nguồn cung ứng có đạo đức.
BSCI có 9 nội dung quan trọng là: Tuân thủ luật liên quan; tự do hội đoàn và quyền thương lượng tập thể; cấm phân biệt đối xử; trả công lao động; thời giờ làm việc; an toàn nơi làm việc; cấm lao động trẻ em; cấm lao động cưỡng bức; các vấn đề an toàn và môi trường.
Đối tượng áp dụng tiêu chuẩn BSCI
Tiêu chuẩn BSCI được áp dụng cho tất cả các tổ chức, không phân biệt loại hình kinh doanh, địa điểm, quy mô...Đây là tiêu chuẩn mang tính chất tự nguyện, tập trung vào việc quản lý liên quan đến trách nhiệm xã hội.
Bất kỳ doanh nghiệp nào có mục tiêu phát triển hệ thống quản lý về trách nhiệm xã hội, an toàn và sức khỏe nghề nghiệp và bảo vệ môi trường thì đều có thể tự nguyện áp dụng BSCI.
Các tiêu chuẩn của BSCI
BSCI đề ra 11 nguyên tắc cơ bản mà các nhà cung cấp phải tuân thủ, bao gồm:
- Quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể.
- Cấm phân biệt đối xử.
- Thù lao công bằng.
- Giờ làm việc hợp lý.
- An toàn và sức khỏe lao động.
- Cấm lao động trẻ em.
- Cấm lao động cưỡng bức và hình phạt về thể chất.
- Bảo vệ môi trường.
- Đạo đức kinh doanh.
- Cơ sở hạ tầng an toàn.
- Hệ thống quản lý và thực hiện hiệu quả.
Lợi ích của doanh nghiệp khi tham gia BSCI
- Tham gia BSCI giúp doanh nghiệp cải thiện điều kiện làm việc theo các tiêu chuẩn cao bao gồm quyền của người lao động, an toàn lao động và bảo vệ môi trường, từ đó giúp các doanh nghiệp tăng cường động lực và nâng cao năng suất lao động.
- Các doanh nghiệp tuân thủ các tiêu chuẩn BSCI sẽ đáp ứng được các yêu cầu của các nhà bán lẻ và thương hiệu lớn, nhất là ở thị trường khó tính như Mỹ, EU từ đó mở ra cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế cho các doanh nghiệp tham gia.
- Việc tuân thủ các tiêu chuẩn BSCI giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro về pháp lý và tránh các tranh chấp liên quan đến lao động và môi trường.
- BSCI là minh chứng cho việc sản phẩm của doanh nghiệp được tạo ra không từ bóc lột sức lao động và sử dụng lao động trẻ em bất hợp pháp. Thông qua việc tuân thủ các tiêu chuẩn của BSCI, các doanh nghiệp thể hiện cam kết đối với trách nhiệm xã hội và phát triển bền vững.
BSCI là một sáng kiến quan trọng giúp cải thiện điều kiện làm việc trong chuỗi cung ứng quốc tế và thúc đẩy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Việc tham gia BSCI không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín và khả năng cạnh tranh mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững của cộng đồng và xã hội.