Chứng nhận C-TPAT
CTPAT là gì?
CTPAT (Customs-Trade Partnership Against Terrorism) tạm dịch là Chương trình Đối tác Chống khủng bố và An ninh Thương mại, đây là chương trình tự nguyện do Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP) triển khai từ năm 2001.
Nguồn gốc sự ra đời của tiêu chuẩn C-TPAT từ vụ tấn công khủng bố ngày 11/09/2001 tại Hoa Kỳ, gây tổn thất hàng nghìn tỷ USD, làm chao đảo cũng như đưa ra báo động đỏ về vấn đề an ninh tại Hoa Kỳ và thế giới. Sau đó Mỹ đã có đề xuất biện pháp để thay đổi và củng cố bức tường an ninh cho quốc gia mình và thế giới để ngăn chặn các tình huống đáng tiếc trong tương lai. Cụ thể diễn ra hàng loạt các hành động thắt chặt ngay lập tức an ninh biên giới và mở nhiều cuộc đối thoại giữa Hải quan và các khu vực tư nhân để thảo luận giải pháp đảm bảo an ninh thương mại. Kết quả của chuỗi sự kiện này là sáng kiến về C-TPAT được Chính phủ và doanh nghiệp Mỹ thống nhất triển khai vào tháng 11/2001,với mục tiêu tăng cường an ninh hàng hóa nhập khẩu vào Hoa Kỳ, xây dựng một mạng lưới đối tác an ninh với các doanh nghiệp liên quan đến chuỗi cung ứng toàn cầu.
C-TPAT đã trở thành một phần quan trọng trong chiến lược an ninh quốc gia của Hoa Kỳ, với hơn 11.000 doanh nghiệp tham gia tính đến năm 2024. Chương trình này đóng góp vào việc bảo vệ chuỗi cung ứng toàn cầu và đảm bảo rằng hàng hóa được nhập khẩu vào Hoa Kỳ an toàn và bảo mật.
Đối tượng áp dụng C-TPAT
Chương trình C-TPAT áp dụng cho tất cả các bên liên quan trong chuỗi cung ứng quốc tế, từ sản xuất, vận chuyển, lưu trữ, đến phân phối, nhằm tạo ra một môi trường an toàn hơn và hiệu quả hơn trong thương mại toàn cầu.
- Nhà nhập khẩu: Đây là đối tượng chính mà C-TPAT hướng tới, đặc biệt là các công ty nhập khẩu hàng hóa vào Hoa Kỳ. Nhà nhập khẩu tham gia C-TPAT cần tuân thủ các tiêu chuẩn an ninh để đảm bảo rằng hàng hóa của họ không bị can thiệp hoặc bị lợi dụng trong quá trình vận chuyển.
- Nhà xuất khẩu: Các công ty xuất khẩu từ Hoa Kỳ hoặc các nước khác cũng có thể tham gia C-TPAT để tăng cường an ninh cho hàng hóa của mình trước khi xuất khẩu, đồng thời cải thiện hiệu quả thông quan và tạo lòng tin với đối tác nhập khẩu.
- Nhà sản xuất: Các công ty sản xuất hàng hóa, đặc biệt là những công ty có nhà máy sản xuất tại nước ngoài tham gia C-TPAT để đảm bảo quy trình sản xuất của họ tuân thủ các tiêu chuẩn an ninh chuỗi cung ứng.
- Hãng vận tải: Các công ty vận tải, bao gồm cả vận tải đường bộ, đường biển, và đường hàng không tham gia C-TPAT để tăng cường an ninh trong quá trình vận chuyển hàng hóa, giảm nguy cơ bị can thiệp hay mất mát hàng hóa.
- Nhà cung cấp dịch vụ logistics: tham gia C-TPAT để đảm bảo rằng các dịch vụ của họ tuân thủ các tiêu chuẩn an ninh và tăng cường khả năng cạnh tranh.
- Các hãng vận tải đa phương thức (Third Party Logistics Providers - 3PLs): tham gia C-TPAT đảm bảo an ninh toàn diện cho các hoạt động vận tải và logistics của họ.
- Cảng và nhà ga: Các cảng biển, cảng hàng không, và các nhà ga vận chuyển tham gia C-TPAT để tăng cường an ninh tại các điểm trung chuyển quan trọng trong chuỗi cung ứng.
- Nhà môi giới hải quan: Tham gia C-TPAT giúp các nhà môi giới hải quan đảm bảo rằng quy trình của họ tuân thủ các tiêu chuẩn an ninh và được ưu tiên trong quá trình làm việc với CBP.
- Nhà điều hành kho hàng: tham gia C-TPAT để đảm bảo rằng cơ sở vật chất của họ tuân thủ các tiêu chuẩn an ninh, ngăn chặn các mối đe dọa đến hàng hóa trong quá trình lưu trữ.
Những nội dung kiểm tra chính của chương trình C-TPAT
- An ninh vật lý (Physical Security)
- Kiểm soát truy cập (Access Controls)
- An ninh nhân sự (Personnel Security)
- An ninh quy trình vận chuyển (Procedural Security)
- An ninh IT (Information Technology Security):
- An ninh trong quy trình vận tải (Conveyance Security)
- Đào tạo nhận thức về an ninh (Security Training and Awareness)
- Quan hệ đối tác an ninh (Security Partnerships)
Những doanh nghiệp muốn sở hữu chứng nhận CTPAT sẽ cần phải ký kết thoả thuận hợp tác với CBP, thực hiện một loạt các biện pháp kiểm tra và cung cấp đầy đủ các loại hồ sơ bảo mật, nhằm đảm bảo an toàn cho toàn bộ chuỗi cung ứng, ngăn chặn việc buôn lậu, khủng bố và các hoạt động phi pháp khác.
Lợi ích khi doanh nghiệp áp dụng CT-PAT
- Giảm thiểu rủi ro an ninh: Bằng cách áp dụng các biện pháp an ninh nâng cao, doanh nghiệp có thể giảm thiểu rủi ro từ các mối đe dọa như khủng bố, buôn lậu và gian lận trong chuỗi cung ứng.
- Tăng cường quan hệ với CBP: Doanh nghiệp tham gia C-TPAT được xem như là đối tác đáng tin cậy của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ. Mối quan hệ tốt này có thể dẫn đến việc được ưu tiên xử lý và hỗ trợ nhanh chóng trong các vấn đề liên quan đến hải quan.
- Giảm thời gian thông quan hàng hóa: Các doanh nghiệp C-TPAT thường được ưu tiên trong quá trình thông quan, giúp giảm thời gian kiểm tra và giải phóng hàng hóa. Điều này có thể làm giảm chi phí lưu kho và tăng tốc độ vận chuyển, cải thiện hiệu quả hoạt động của chuỗi cung ứng.
- Giảm chi phí kiểm tra và xử lý hải quan: Doanh nghiệp tham gia C-TPAT có thể hưởng lợi từ việc giảm bớt số lượng kiểm tra hải quan và các thủ tục hành chính liên quan, giúp giảm chi phí và thời gian xử lý hàng hóa.
- Nâng cao thương hiêu, uy tín của công ty: Việc tham gia và tuân thủ các tiêu chuẩn an ninh cao của C-TPAT có thể cải thiện hình ảnh và uy tín của doanh nghiệp trên thị trường, tạo ra niềm tin lớn hơn từ phía khách hàng và đối tác.