Chứng nhận hợp quy vật liệu xây dựng
Chứng nhận hợp quy vật liệu xây dựng QCVN 16:2023/BXD là một quy định kỹ thuật quốc gia mới nhất được Bộ Xây dựng ban hành, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2024. QCVN 16:2023/BXD thay thế và bãi bỏ Quy chuẩn kỹ thuật QCVN 16:2019/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng ban hành kèm theo Thông tư số 19/2019/TT-BXD ngày 31 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ xây dựng.
Mục đích của chứng nhận hợp quy vật liệu xây dựng QCVN 16:2023/BXD
- Đảm bảo các vật liệu xây dựng sử dụng trong các công trình đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn.
- Bảo vệ người tiêu dùng khỏi các sản phẩm kém chất lượng hoặc không an toàn.
- Hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm soát và quản lý chất lượng các sản phẩm vật liệu xây dựng trên thị trường.
Đối tượng áp dụng QCVN 16:2023/BXD
- Các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng.
- Các tổ chức thử nghiệm, tổ chức chứng nhận hợp quy thực hiện việc đánh giá, chứng nhận hợp quy sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng.
- Các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan về chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng.
Chứng nhận hợp quy vật liệu xây dựng là yêu cầu bắt buộc đối với sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng được sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam. Mọi tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và nhập khẩu vật liệu xây dựng đều cần phải chứng nhận chất lượng cho sản phẩm.
10 nhóm vật liệu xây dựng phải chứng nhận hợp quy theo QCVN 16:2023/BXD, bao gồm:
- Xi măng, phụ gia cho xi măng và bê tông.
- Cốt liệu xây dựng.
- Vật liệu ốp lát.
- Vật liệu xây.
- Vật liệu lợp.
- Thiết bị vệ sinh
- Kính xây dựng
- Vật liệu trang trí và hoàn thiện.
- Các sản phẩm ống cấp thoát nước
- Các sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng khác
Chi tiết 10 nhóm vật liệu xây dựng được quy định tại Bảng 1 Phần 2 QCVN 16:2023/BXD.
Chứng nhận hợp quy đối với sản phẩm vật liệu xây dựng như thế nào?
Căn cứ theo Mục 3.1 Phần 3 QCVN 16:2023/BXD, chứng nhận hợp quy đối với sản phẩm vật liệu xây dựng được thực hiện theo các phương thức đánh giá quy định tại Thông tư 28/2012/TT-BKHCN và Thông tư 02/2017/TT-BKHCN như sau:
[1] Phương thức 1: Thử nghiệm mẫu điển hình.
- Hiệu lực của Giấy chứng nhận hợp quy không quá 01 năm. Giấy chứng nhận hợp quy chỉ có giá trị đối với kiểu, loại sản phẩm, hàng hóa được lấy mẫu thử nghiệm.
- Hàng hóa vật liệu xây dựng nhập khẩu áp dụng phương thức này khi:
+ Cơ sở sản xuất tại nước ngoài đã được cấp chứng chỉ hệ thống quản lý chất lượng phù hợp tiêu chuẩn ISO 9001 đối với lĩnh vực sản xuất sản phẩm vật liệu xây dựng này và chứng chỉ đang còn hiệu lực
+ Giám sát thông qua việc thử nghiệm mẫu mỗi lần nhập khẩu.
[2] Phương thức 5: Thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất.
- Hiệu lực của Giấy chứng nhận hợp quy không quá 3 năm và giám sát hàng năm thông qua việc thử nghiệm mẫu tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất.
- Phương thức này áp dụng đối với các loại sản phẩm được sản xuất bởi cơ sở sản xuất trong nước hoặc nước ngoài đã xây dựng và duy trì hệ thống quản lý chất lượng nhằm đảm bảo duy trì ổn định chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
[3] Phương thức 7: Thử nghiệm, đánh giá lô sản phẩm, hàng hóa.
Hiệu lực của Giấy chứng nhận hợp quy chỉ có giá trị cho lô sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng sản xuất, nhập khẩu.
Chứng nhận hợp quy QCVN 16:2023/BXD là một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao chất lượng vật liệu xây dựng, đảm bảo an toàn cho các công trình xây dựng và bảo vệ người tiêu dùng.