Đối tượng kiểm kê khí nhà kính theo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP
Kiểm kê khí nhà kính là gì?
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 và Nghị định 06/2022/NĐ-CP Quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô dôn, một trong những việc quan trọng cần làm để đảm bảo giảm nhẹ phát thải khí nhà kính là thực hiện Kiểm kê khí nhà kính.
Kiểm kê khí nhà kính (Greenhouse Gas Inventory - GHG) là quá trình thu thập, xử lý và báo cáo các dữ liệu liên quan đến lượng khí nhà kính (GHG) phát thải từ các nguồn khác nhau trong một khoảng thời gian cụ thể dự án, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hoặc quốc gia.
Mục đích của kiểm kê khí nhà kính là đánh giá và giám sát lượng phát thải khí nhà kính để giúp các tổ chức, doanh nghiệp và quốc gia có thể xác định các nguồn phát thải chính, theo dõi sự biến đổi theo thời gian, và đề ra các biện pháp giảm thiểu.
Đối tượng nào phải thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính?
Căn cứ theo Điều 5 Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định các đối tượng phải thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính bao gồm như sau:
- Các cơ sở thuộc danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
- Các bộ quản lý lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, sử dụng đất và lâm nghiệp, quản lý chất thải, các quá trình công nghiệp là các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng.
- Các tổ chức, cá nhân không thuộc danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính do Thủ tướng Chính phủ ban hành được khuyến khích thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện, hoạt động của mình.
Cơ sở nào phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính?
Theo quy định Điều 6 Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định về việc xây dựng và cập nhật danh mục lĩnh vực, cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính. Cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính là cơ sở phát thải khí nhà kính có mức phát thải hằng năm từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên hoặc thuộc một trong các trường dưới đây:
- Nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất công nghiệp có tổng lượng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 tấn dầu tương đương (TOE) trở lên.
- Công ty kinh doanh vận tải hàng hóa có tổng tiêu thụ nhiên liệu hằng năm từ 1.000 TOE trở lên.
- Tòa nhà thương mại có tổng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 TOE trở lên.
- Cơ sở xử lý chất thải rắn có công suất hoạt động hằng năm từ 65.000 tấn trở lên.
Danh mục lĩnh vực phải kiểm kê khí nhà kính năm 2024?
Theo quy định Điều 1 Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ Ban hành ngày 18 tháng 01 năm 2022 về danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính bao gồm:
1. Danh mục lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính tại Phụ lục I của Quyết định
2. Danh mục các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính thuộc ngành công thương tại Phụ lục II;
3. Danh mục các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính thuộc ngành giao thông vận tải tại Phụ lục III;
4. Danh mục các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính thuộc ngành xây dựng tại Phụ lục IV;
5. Danh mục các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính thuộc ngành tài nguyên và môi trường tại Phụ lục V;
Theo đó quy định đối tượng phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính bao gồm tổng số 1.912 cơ sở, trong đó 1.662 cơ sở thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương. Đây là các cơ sở có mức phát thải khí nhà kính cao thuộc tất cả các ngành, lĩnh vực đang được quản lý chặt chẽ về phát thải khí nhà kính, thực hiện các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính trong giai đoạn từ nay tới 2030 và có vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu giảm phát thải theo NDC (Nationally Determined Contribution - Đóng góp do Quốc gia tự quyết định) vào năm 2030.
Theo quy định của Nghị định 06/2022/NĐ-CP, các cơ sở thuộc danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính do Thủ tướng Chính phủ ban hành cung cấp số liệu hoạt động, thông tin liên quan phục vụ kiểm kê khí nhà kính của cơ sở của năm trước kỳ báo cáo theo hướng dẫn của bộ quản lý lĩnh vực trước ngày 31 tháng 3 kể từ năm 2023. Điều này bao gồm việc cung cấp các dữ liệu về mức tiêu thụ năng lượng, loại và số lượng khí nhà kính phát thải, cũng như các thông tin liên quan khác nhằm đảm bảo việc kiểm kê được chính xác và đầy đủ. Mục tiêu của yêu cầu này là để xây dựng cơ sở dữ liệu về khí nhà kính, phục vụ cho công tác quản lý, giám sát và lập kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính hiệu quả trong giai đoạn tới.
Bắt đầu từ năm 2025, các doanh nghiệp sẽ phải tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính định kỳ hai năm một lần và gửi báo cáo lên UBND cấp tỉnh trước ngày 31 tháng 3. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ trì và phối hợp với các bộ quản lý lĩnh vực và UBND cấp tỉnh để rà soát danh mục cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê trong phạm vi quản lý trước ngày 31/12 hàng năm, bắt đầu từ năm 2023. Danh mục này sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ quyết định và cập nhật định kỳ hai năm một lần. Các cơ sở có tên trong danh mục sẽ phải chủ động rà soát và cung cấp thông tin về tổng lượng tiêu thụ năng lượng và công suất hoạt động về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc điều chỉnh và cập nhật danh mục.
Như vậy việc xác định và kiểm kê các nguồn phát thải khí nhà kính tại Việt Nam là một phần quan trọng trong chiến lược quốc gia về giảm thiểu biến đổi khí hậu. Kiểm kê khí nhà kính không chỉ là yêu cầu pháp lý mà còn là trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường. STI Việt Nam sẵn sàng đồng hành cùng các doanh nghiệp trên con đường hướng tới phát triển bền vững, tối ưu hóa năng suất và nâng cao chất lượng.
- Triển khai hoạt động kiểm kê và giảm phát thải khí nhà kính tại Công ty cổ phần sản xuất phụ tùng ô tô và thiết bị công nghiệp JAT
- Kiểm kê khí nhà kính
- Đào tạo nhận thức chung về kiểm kê khí nhà kính cho các doanh nghiệp tại tỉnh Nam Định
- Hội nghị tập huấn “Nhận thức chung về kiểm kê khí nhà kính theo tiêu chuẩn ISO 14064-1:2018” cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng